banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
TPP mang đến lợi ích kép cho doanh nghiệp Việt Nam
Cập nhật lúc 03:45 ngày 08/10/2015

Theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN), hiệp hội, ngành hàng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra một cơ hội vô cùng lớn cho cộng đồng DN Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể hưởng lợi ích mà TPP mang lại, DN Việt sẽ phải đối mặt không ít thách thức.

Ngay sau khi nhận được thông tin kết thúc đàm phán TPP, ngày 6/10, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) phấn khởi cho biết, TPP sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành gỗ hơn là thách thức bởi 12 quốc gia thành viên TPP đều có tiềm lực mạnh.

Quan trọng hơn các quốc gia này có mối quan hệ bạn hàng lâu năm với Việt Nam như Mỹ hiện là thị trường lớn của xuất khẩu gỗ với kim ngạch chiếm 30% trong tổng giá trị toàn Ngành.

Để hưởng lợi thế từ TPP lại phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo DN

Nhật Bản đứng hàng Top 5 trong các nước nhập khẩu gỗ Việt Nam. Các nước khác như Úc, Canada… cũng đã nhập gỗ từ Việt Nam lâu nay. Một thuận lợi nữa là về xuất xứ gỗ phải có nguồn gốc từ các nước thành viên TPP, trong khi Việt Nam đang nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu gỗ từ Mỹ và một số nước thành viên TPP. Bên cạnh đó, công nghệ của các nước này rất hiện đại, trước đây Việt Nam phải nhập khẩu về với giá cao nhưng sắp tới sẽ được ưu đãi rất nhiều. Tuy nhiên, để tận dụng hết những cơ hội trên thì ngành gỗ phải làm rất nhiều việc như tự nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm, tự tìm hiểu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao và gấp rút phổ biến những cơ hội mà TPP mang lại đến cộng đồng DN.

Với ngành thủy sản, bà Trần Thúy Lan - Phó Giám đốc Công ty XNK Thủy hải sản Hồng Lan (quận Bình Tân, TP.HCM) cho rằng, Việt Nam gia nhập TPP là cơ hội lớn giải quyết “đầu ra” cho mặt hàng thủy sản và tạo thêm động lực cho hàng Việt xuất khẩu. Theo bà Lan, với việc giảm thuế từ TPP mà trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 19% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, Nhật Bản chiếm 16%... sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cũng như lợi thế hơn cho DN Việt Nam so với DN của các nước có cùng điều kiện sản xuất như Thái Lan, Ấn Độ.

Trong lĩnh vực dệt may, hiện nay các DN trong lĩnh vực này của Việt Nam phải nhập đến 60% nguyên liệu từ bên ngoài, mà đa phần là nhập từ Trung Quốc - quốc gia không phải thành viên TPP. Để giải bài toán này, Công ty TNHH MTV (Tổng công ty 28) đã tìm phương án hợp tác với một đối tác Nhật Bản (thành viên TPP) để sản xuất nguyên phụ liệu. Theo đó, DN này đã ký một hợp đồng hợp tác trong 10 năm với Tập đoàn Sotoh về sản xuất vải len. Sotoh sẽ đầu tư máy móc, thiết bị và lo đầu ra cho mặt hàng vải cao cấp, còn Tổng công ty 28 sẽ lo phần mặt bằng nhà xưởng và khâu sản xuất. Với các thỏa thuận mà các nước thành viên TPP đã đàm phán thành công, DN này kỳ vọng các thị trường truyền thống thuộc TPP sẽ được nâng lên 60% (hiện là 30%) trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Hội XNK Đồng Nai cho biết, chủ thể của TPP không ai khác chính là cộng đồng DN và người được hưởng lợi từ TPP cũng chính là DN. Nhưng bằng cách nào để được hưởng lợi thế từ TPP lại phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo DN. Điều quan trọng là các DN phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, tăng nhanh tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu, quan tâm đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, kiến tạo môi trường kinh doanh cho DN với mong muốn từ “chính quyền hành chính” đến “chính quyền dịch vụ”, đồng hành cùng DN.

Còn theo ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH Giao nhận VTS, TPP được ký kết sẽ đẩy mạnh lĩnh vực logistics, các ngành dịch vụ sản xuất, hậu cần và ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Muốn thích ứng, từng DN phải chủ động, nâng cao trình độ quản lý, công nghệ hay nói cách khác, DN phải tự thân vận động mới bắt kịp tiến độ hội nhập. 

Nguồn Báo Công Thương