banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Việt Nam tham gia TPP: Công nhân được - mất gì?
Cập nhật lúc 03:22 ngày 08/10/2015

Việc tham gia TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện sức sáng tạo, năng suất, sức cạnh tranh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập… nhưng thách thức đối với doanh nghiệp và người lao động Việt Nam cũng không hề nhỏ.

Áp lực cạnh tranh cao có thể làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, nhất là lao động phổ thông, lao động khu vực phi chính thức, cũng như do doanh nghiệp kém sức cạnh tranh, buộc phá sản… 


Tranh chấp giữa người lao động với giới chủ có thể gia tăng

Mặc dù nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng, có tỉ lệ tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) lớn và tỉ lệ thất nghiệp thấp, nhưng LĐ có việc làm phi chính thức, phi hộ nông nghiệp lại khá cao. Đặc biệt, trong bức tranh LĐ chung, có điểm nhấn nổi bật thiếu bền vững đó là LĐ chưa qua đào tạo tập trung phần lớn trong các ngành nông nghiệp kém sức cạnh tranh và khu vực phi chính thức, phi nông nghiệp, chủ yếu là dịch vụ và lao động tại gia khác. Sự yếu kém về trình độ ngoại ngữ, những kỹ năng làm việc nhóm và cả hạn chế về hiểu biết văn hóa các nước khu vực và thế giới cũng rất đậm trong LLLĐ này.

Việc các nước thành viên các FTA, nhất là TPP, phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, cũng như thực hiện quyền của NLĐ từ đó sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, tái sản xuất sức LĐ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, NLĐ sẽ có cơ hội cải thiện các quyền lợi hợp pháp của mình cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống, cũng như về hiệp hội và công đoàn, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm mới trong nước hoặc ở các nước thành viên TPP.

Thách thức đối với NLĐ Việt Nam cũng không nhỏ, nhất là về nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề cao; tinh thần liên kết và cạnh tranh gắn với các nhóm LĐ đặc thù (trong đó có LĐ trong khu vực phi chính thức) và lợi ích xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh cao có thể làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp do tình trạng giảm bớt nhân công, nhất là LĐ phổ thông để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất LĐ nhờ đổi mới kỹ thuật và quản trị, cũng như do DN kém sức cạnh tranh, buộc phá sản.

Những tranh chấp giữa NLĐ với các chủ sử dụng LĐ khu vực tư nhân và nước ngoài cũng có thể tăng gắn với hệ quả phá sản, tái cơ cấu kinh tế hoặc vi phạm hợp đồng LĐ và điều kiện LĐ. Tuân thủ để tránh bị điều tra, bị kiện và bị phạt, cũng như áp lực cạnh tranh nhằm nâng cao các yêu cầu tối thiểu về an toàn LĐ, tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh LĐ, cấm LĐ cưỡng bức, cấm LĐ trẻ em, cùng cơ chế giám sát và chế tài đặt ra trong các FTA, nhất là TPP,… sẽ tạo ra không ít thách thức về chi phí và phát triển văn hóa DN, nhất là khi tham gia vào các chuỗi cung ứng xuất khẩu khu vực và quốc tế. 

Xu thế chuyển dịch LĐ giữa các nước thành viên vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho ngành giáo dục - đào tạo và tự nâng cao trình độ để tìm kiếm và giữ cơ hội việc làm của NLĐ, nhất là LĐ trẻ. Phát triển thị trường LĐ có tổ chức, chất lượng cao đang và sẽ ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc và công cụ đắc lực để hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, lực lượng LĐ Việt Nam nói chung trong bối cảnh đó.

Tuy nhiên, trên hết vẫn là kỳ vọng lớn lao rằng tham gia và thực thi TPP sẽ giúp Việt Nam và các thành viên thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ những công việc được trả lương cao hơn, cải thiện sức sáng tạo, năng suất, sức cạnh tranh, tăng mức sống, giảm đói nghèo, cải thiện tính minh bạch trong điều hành, bảo vệ môi trường và NLĐ; tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thúc đẩy đổi mới và có lợi cho người dân trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

Công nhân xa lạ với thông tin về TPP

Bùi Thị Tưởng (28 tuổi, CN Cty TNHH ASTI Nhật Bản - KCN Bắc Thăng Long): Tôi không biết gì về cái hiệp định ấy cả. Mà không riêng hiệp định ấy, tin tức thời sự nói chung, NLĐ như chúng tôi cũng làm gì có thời gian mà quan tâm.

Bùi Minh Khôi (kỹ sư, Phó Trưởng phòng trạm phát sóng Mẫu Sơn - Lạng Sơn): Mấy ngày nay chúng tôi có nghe thông tin qua truyền hình và đọc báo nhưng chỉ biết vậy thôi chứ cũng chưa nghiên cứu xem là nếu VN tham gia Hiệp định TPP sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến KTXH của đất nước nói chung cũng như đời sống của NLĐ.

Nguyễn Thị Lịu: (Cty may Thái Anh - Hải Dương): Tôi chưa nghe thấy cái tên ấy bao giờ (Hiệp định TPP - PV) nên không biết nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới đời sống của chúng tôi. Nếu có thời gian rảnh rỗi, chúng tôi chỉ xem phim thôi.

K.Y.M

Hoàng Thị Tâm (CN Cty TNHH Canon VN): Tôi không rõ Hiệp định TPP là như thế nào. Hiện nay tôi chỉ quan tâm đến việc làm, tiền lương, đời sống. Nếu như Hiệp định TPP có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, thu nhập của NLĐ tôi sẽ cố gắng tìm hiểu qua mạng.

Đỗ Trường Giang (CN KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội): Tôi tìm hiểu và được biết, khi tham gia TPP, thị trường ôtô mở cửa, các mặt hàng dệt may, xuất nhập khẩu của VN đủ sức cạnh tranh đối với các nước khác khi vào Mỹ, Nhật Bản hay Australia. Do đó những người có điều kiện mua sắm và NLĐ đang tham gia vào những lĩnh vực trên được hưởng lợi, điều này rất có ý nghĩa. Còn đối với chúng tôi, NLĐ hiện đang làm việc trong KCN chỉ mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định, được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng. H.A ghi

Chị Nguyễn Trúc Anh (CN Cty Kama, quận 12, TPHCM): Một lần có đối tác nước ngoài đến Cty hỏi CN rằng, đi vệ sinh có phải đeo thẻ không? Có phải ghi tên không? Chúng tôi trả lời rằng có, lập tức phía đối tác nước ngoài họ phản ứng ngay bởi đi vệ sinh mà cũng đeo thẻ, bị hạn chế như vậy là điều không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ, gia nhập TPP - tức là gia nhập một sân chơi quốc tế lớn - các DN tại VN cũng phải tuân thủ các điều kiện làm việc, quyền lợi tối thiểu của NLĐ nên chắc sẽ không còn chuyện CN đi vệ sinh phải đeo thẻ như trước.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Cty thủy sản SG Food, Tân Bình, TPHCM): Tôi không hiểu lắm TPP là gì, chỉ biết đơn giản rằng, VN vừa mới tham gia một hiệp định thương mại với nhiều nước trên thế giới. Dưới góc độ là một CNLĐ, tôi chỉ mong muốn sao cho DN của mình làm ăn tốt hơn và song song đó góp phần tăng thu nhập, đảm bảo các quyền lợi cho NLĐ chúng tôi. Còn về phía bản thân tôi cũng ý thức được rằng phải nâng cao tay nghề của chính mình, tác phong làm việc phải chuyên nghiệp hơn nữa để góp phần tạo năng suất chất lượng cao cho DN, để có thể cạnh tranh với các nước. 

LÊ TUYẾT ghi

Nguyễn Minh Phong (Báo Lao động)