banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Bác Hồ nói về thi đua yêu nước
Cập nhật lúc 04:22 ngày 02/06/2015

Toàn quốc kháng chiến được hơn một năm, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948 Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước để động viên mọi lực lượng đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc.

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua yêu nước, Người viết: “Cùng toàn thể đồng bào yêu quý, nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường dân tộc chẳng kém. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì phải đi mau. Vì vậy, sỹ, nông, công, thương,binh, trai gái già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước, tức là tham gia sản xuất”. Kể từ khi khởi xướng (1948) đến khi vĩnh biệt nhân dân ta (1969), Bác Hồ đã để lại gần 50 bài viết nói về thi đua yêu nước.


Trong bài “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta" đăng trên báo Nhân dân ra ngày 5/7/1951, Người viết: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đich chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no ấm, biết chữ, làm cho tổ quốc độc lập tự do. Muốn đạt mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng phải thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Chiến sĩ thi đua giết giặc lập công, đồng bào thi đua tăng gia sản xuất”.

Ngày 1/8/11951, trong "Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc” Hồ Chủ Tịch đã chỉ rõ thêm bảy điểm cơ bản về thi đua ái quốc, Người viết: “1. Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước. 2. Phải có kế hoạch tỷ mỷ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động. 3. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng. 4. Thi đua khong nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: Tăng gia sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới). 5. Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoach mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua phải thiết thực, đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi. 6. Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi. Vì vậy, thật thà, tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua. 7. Thi đua là phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào. Vì vậy trong thi đua, chúng ta phải vđồng thời bồi bổ lực lượng và tinh thần của quần chúng”. Khởi xướng ra phong trào thi đua yêu nước, Hồ Chủ Tịch đã sáng tạo ra giá trị mới là gắn thi đua với truyền thống dân tộc. Theo Người, truyền thống lớn nhất, giá trị quý nhất là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và Người chỉ ra: Hễ là người Việt Nam, dù ít dù nhiều đều có lòng ái quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước ta hiện nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam cho mọi hành động của chúng ta trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Tiếc rằng, đã có lúc phong trào thi đua bị lãng quên, xã hội nảy sinh nhiều tiêu cực. Nhiều nơi thi đua nhưng chưa gắn với yếu tố yêu nước, thiếu giáo dục ý thức tự giác cho mọi thành viên tham gia phong trào. Vì vậy nặng về hình thức, thiếu tính thiết thực, không tạo ra tinh thần thi đua lành mạnh. Một số nơi còn nặng chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo thi đua khi đã xây dựng chỉ tiêu, tiêu chuẩn và các danh hiệu thi đua nhưng lại khống chế tỷ lệ phần trăm các đơn vị không được vượt tỷ lệ đó. Như vậy đã làm hạn chế thi đua và thể hiện sự non kém trong lãnh đạo. Bác Hồ dạy: Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi, cần có hai điều kiện, một là cán bộ và mọi thành viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ; hai là kế hoạch thi đua 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm phải 30 phần. Lời dạy đó của Bác càng có ý nghĩa hơn khi ngày nay chúng ta tiếp tục phát động phong trào thi đua yêu nước rộng khắp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, đưa nước ta hội nhập sâu hơn, vững vàng trong kinh tế toàn cầu.

An Nguyễn