banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Một số chính sách quan trọng liên quan đến người lao động
Cập nhật lúc 08:09 ngày 25/05/2015

Tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2016

Trong Quý III năm 2015, Bộ LĐTBXH phải trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các doanh nghiệp áp dụng cho năm 2016.

Đây là nội dung được đề cập tại Quyết định 64/QĐ-BCĐCCTLBHXH ngày 12/5/2015 của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Theo đó, việc nghiên cứu, rà soát lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và sớm đảm bảo nhu cầu sống của người lao động phải được hoàn thành trong Quý III này.

Đồng thời, Quyết định cũng phân công rõ ràng việc triển khai nghiên cứu và thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2015.

Chi tiết xem tại đây


Nâng bậc lương sớm trong công ty TNHH MTV nhà nước

Từ ngày 10/06/2015, việc xét nâng bậc lương sớm hoặc kéo dài thời hạn nâng bậc lương đối với các chức danh đang xếp lương bậc 1/2 theo hạng công ty tại Phụ lục số 1, ban hành kèm theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP thực hiện như sau:

- Đối với người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương lao động hạng 1, 2, 3, chiến sĩ thi đua toàn quốc theo quy định của Chính phủ thì được xét nâng bậc lương sớm không quá 24 tháng;

- Đối với người được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hai năm liền được tặng bằng khen cấp Bộ hoặc cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp ngành, lĩnh vực thì được xét nâng bậc lương sớm không quá 12 tháng.

- Đối với người bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị cách chức hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự thì phải kéo dài thêm tối đa 12 tháng so với thời gian nâng bậc lương theo quy định. Nội dung này được đề cập tại Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH .

Chi tiết xem tại đây

Hướng dẫn phương thức chi điều chỉnh tăng lương 2015

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 32/2015/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có hệ số lương từ 2.34 trở xuống.

Theo đó, phương thức chi trả kinh phí thực hiện có một số điểm đáng lưu ý sau:

- Các Bộ, cơ quan Trung ương, cấp tỉnh hướng dẫn các đơn vị và cấp ngân sách trực thuộc có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu thực hiện thì chủ động chi trả tiền lương tăng thêm.

- Cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện cho các đơn vị dự toán ngân sách cùng cấp và cấp ngân sách trực thuộc còn thiếu nguồn.

- Các Bộ, cơ quan Trung ương có nhu cầu kinh phí thực hiện lớn hơn nguồn thì Bộ Tài chính sẽ thẩm định (trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan) và thông báo bổ sung kinh phí.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/5/2015, các chế độ quy định tại Thông tư được thực hiện từ ngày 01/01/2015.

Chi tiết xem tại đây

Hướng dẫn mới về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)

Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 28/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Người lao động (NLĐ) đã giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 đến dưới 12 tháng trước ngày 01/01/2015 và đang thực hiện hợp đồng này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tham gia BHTN cho NLĐ.

Trường hợp NLĐ giao kết nhiều hợp đồng lao động và đang tham gia BHTN theo hợp đồng có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN thì NLĐ và NSDLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN của hợp đồng giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHTN theo quy định.

Cũng theo Nghị định, trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết thì NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Chi tiết xem tại đây 

Các ngành nghề NLĐ phải có chứng chỉ nghề Quốc gia

Theo Nghị định 31/2015/NĐ-CP , đối với các ngành nghề sau NLĐ sẽ phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia:

- Đào, chống lò.

- Vận hành máy, thiết bị khai thác than trong hầm lò.

- Sửa chữa bảo dưỡng thiết bị y tế sử dụng điện tử, điều khiển bằng điện tử, khí áp lực và quang học.

- Vận hành xe, máy thi công xây lắp đường hầm (trong ngành xây dựng công trình đường sắt, Xây dựng công trình đường bộ, Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác).

- Vệ sinh lau dọn bề ngoài các công trình cao tầng trên 10 tầng.

- Quản lý và phục vụ tại khu vui chơi, giải trí trong tầng hầm có diện tích trên 1000m2.

Nghị định này có hiệu lực từ 15/5/2015.

Chi tiết xem tại đây 

Giám sát tiền lương, thưởng trong tổng công ty Nhà nước

Theo Thông tư 15/2015/TT-BLĐTBXH, giám sát việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch hằng năm của tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ với các nội dung chủ yếu sau:

- Định mức lao động; tuyển dụng, sử dụng lao động.

- Tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, viên chức quản lý và người đại diện vốn nhà nước.

- Xây dựng và thực hiện các quy chế, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ cơ sở.

- Thực hiện các chế độ khác đối với người lao động.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2015.

Chi tiết xem tại đây

LH (st)