banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Chính sách Lao động - Tiền lương có hiệu lực trong tháng 03/2015
Cập nhật lúc 12:26 ngày 01/03/2015

 Trong tháng 03/2015, nhiều chính sách mới về Lao động – Tiền lương sẽ có hiệu lực như nâng lương hưu, trợ cấp BHXH cho cán bộ, công chức; điều chỉnh tiền lương, tiền công đóng BHXH; bồi dưỡng đi biển cho kiểm ngư viên… Nổi bật là: 

1. Hướng dẫn trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc

Ngày 01/03, Nghị định 05/2015/NĐ-CP  hướng dẫn Bộ Luật Lao động 2012 có hiệu lực. Theo đó, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc được quy định rõ như sau:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, cụ thể:

- Thời gian làm việc thực tế bao gồm: thời gian NLĐ đã làm việc; thử việc, học nghề, tập nghề; được cử đi học; nghỉ hưởng chế độ; nghỉ hàng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương; nghỉ để hoạt động công đoàn; phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ;

Ngoài ra thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội cũng được tính là thời gian làm việc.

- Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian NSDLĐ đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và thời gian NSDLĐ đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được tính theo năm, trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

2. Kiểm ngư viên được bồi dưỡng khi đi biển

Từ ngày 01/03, Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư được hưởng chế độ bồi dưỡng đi biển mức 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển thực hiện nhiệm vụ.

Ưu đãi này còn được áp dụng cho công chức, viên chức và người lao động các đơn vị thuộc Cục Kiểm ngư, người được cấp có thẩm quyền cử biệt phái, điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ Kiểm ngư trên biển.

Người được cơ quan, đơn vị cử tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên tàu Kiểm ngư cũng được nhận khoản bồi dưỡng này.

Nội dung trên được quy định tại Quyết định 02/2015/QĐ-TTg.

3. Nâng lương hưu, trợ cấp BHXH cho cán bộ, công chức

Cụ thể từ 01/01/2015 tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng sau đây:

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân (CAND) và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, 121/2003/NĐ-CP, 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 09/2000/QĐ-TTg, 613/QĐ-TTg năm 2010, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP năm 1975, Quyết định 111-HĐBT năm 1981.

- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, 38/2010/QĐ-TTg.

- CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.

- Quân nhân, CAND, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.

Nội dung trên được quy định tại Nghị định 09/2015/NĐ-CP, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/3.

4. Hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH theo Nghị định 09/2015/NĐ-CP

Ngày 02/02/2015, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 05/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 09/2015/NĐ-CP.

Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ tháng 01/2015 = Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp tháng 12/2014  x 1,08 (Áp dụng đối với đối tượng tại Điều 1 của Thông tư này).

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/03. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2015.

5. Quy định mới về mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đóng BHXH

Cuối tháng 01, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 03/2015/TT-BLĐTBXH quy định về điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho một số đối tượng, như sau:

- Đối tượng điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH theo quy định tại điều 2 Nghị định 83/2008/NĐ-CP từ ngày 01/01 đến 31/12/2015

Tiền lương, tiền công tháng đã đóng BHXH các đối tượng này được điều chỉnh theo công thức:

Tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm Tổng tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 1 trong Thông tư.

- Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH theo quy định tại điều 2 Nghị định 134/2008/NĐ-CP  từ ngày 01/01 đến 31/12/2015

Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với đối tượng này được điều chỉnh theo công thức sau:

Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2 Thông tư.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 09/03 và các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01/01/2015.

6. Quy định mới về tiền lương để tính bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 20/3 thì tiền lương để tính tiền bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.

Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì lấy bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động, thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp. Nội dung trên được quy định tại Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH. 

Ngoài ra, Thông tư này còn có một số điểm mới quan trọng khác như:

- Người lao động (NLĐ) bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động (NSDLĐ) ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp... do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ vẫn phải bồi thường;

- NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý, do lỗi người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ vẫn phải trợ cấp.

Thùy Dương