banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Những thách thức đối với người lao động và hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 01:02 ngày 08/04/2015

Trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường đàm phán, ký kết tham gia nhiều hiệp định quốc tế với kỳ vọng gia tăng cơ hội phát triển. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những hiệp định nằm trong chiến lược phát triển, hội nhập của Việt Nam và mục tiêu của chúng ta là hướng đến việc kết thúc toàn diện đàm phán trong những tháng đầu năm 2015 này.

Về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - còn gọi là TPP) là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương.

TPP đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức. (Ảnh minh họa)

Đàm phán Hiệp định TPP giữa chín nước trong khu vực APEC nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do hai bờ Thái Bình dương bắt đầu cuối năm 2009. Việt Nam là quan sát viên của đàm phán này từ những vòng đàm phán đầu tiên và là thành viên chính thức từ tháng 11/2010. Hiệp định TPP hiện nay được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các Hiệp định thế kỷ XXI. Phạm vi của Hiệp định bao gồm hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại, trong đó có nhiều lĩnh vực mới như môi trường, lao động, các vấn đề xuyên suốt liên quan đến thương mại như: Chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tham gia đàm phán TPP, Mỹ tuyên bố TPP sẽ tạo ra một chuẩn mới cho các FTA của thế kỷ XXI. Mong muốn đằng sau tuyên bố này là Mỹ sẽ cố gắng để TPP có phạm vi lớn nhất có thể và ở mức độ mở cửa rộng nhất có thể. Từ tuyên bố trên, nhiều chuyên gia cho rằng, TPP sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng với xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ, cụ thể:

- Về thuế quan, cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%) đặc biệt là các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn.

- Về dịch vụ, tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.

- Về đầu tư, tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

- Về quyền sở hữu trí tuệ, tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO.

- Về các biện pháp SPS, TBT, siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật.

- Về cạnh tranh và mua sắm công, tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công.

- Về các vấn đề lao động, đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (công đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.

Kế từ khi chính thức khởi động (2010) đến nay, đàm phán TPP đã trải qua hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ Trưởng. Các nước đã đạt được kết quả ở nhiều nội dung. Các vấn đề còn lại chủ yếu liên quan đến đàm phán mở cửa thị trường và một số nội dung nhạy cảm khác.

Phát huy lợi thế và vai trò Việt Nam là một trong những thành viên tham gia Hiệp định TPP ngay từ đầu, chúng ta đang tính toán kỹ giữa thời cơ và thách thức nhằm đạt mục tiêu kết quả đàm phán phải tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, hạn chế được tác động tiêu cực.

Cơ hội và thách thức đối với NLĐ và hoạt động công đoàn

Do đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và phát triển các doanh nghiệp sản xuất có lợi thế như: Chế biến hàng hóa xuất khẩu nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản, may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, các hàng hóa sử dụng nhiều lao động sẽ giúp tăng cơ hội có nhiều việc làm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch… Ngoài ra do sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường lao động, ngoài việc phải sắp xếp lại sản xuất, tổ chức lại lao động, cải tiến thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ, doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ. Mặt khác, NLĐ phải sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao bằng việc phải chủ động học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp để tiếp cận với công nghệ mới để giữ được việc làm và thu nhập.

Hiệp định TPP được ký kết cũng có nghĩa là NLĐ Việt Nam phải bước vào một sân chơi mới, rộng lớn hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn từ đó đòi hỏi mỗi NLĐ phải có nhận thức mới về việc làm và thái độ làm việc. Lúc này, việc làm không chỉ bó hẹp trong khu vực Nhà nước mà việc làm là hoạt động của mọi người, mọi thành phần kinh tế tạo ra nguồn thu nhập mà không bị pháp luật cấm. Quan niệm mới  về việc làm sẽ mở ra cơ chế thoáng trong chính sách cùng với trách nhiệm của các bên. Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với NLĐ, bởi chỉ NLĐ có tay nghề giỏi, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, có ý thức tổ chức, ý thức kỷ luật, có tác phong lao động công nghiệp mới có được việc làm bền vững.

Đối với hoạt động công đoàn, Hiệp định TPP cũng đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đó là: Trước hết chúng ta sẽ phải thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, chúng ta sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc chung về thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của một thành viên, phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với luật chơi chung. Các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP sẽ cải thiện nhanh chóng, vừa mở rộng, vừa đi vào chiều sâu, tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới. Với việc tận dụng mọi nguồn lực thu hút đầu tư, phát triển sản xuất sẽ tạo thêm nhiều việc làm, chất lượng lao động được nâng lên, NLĐ sẽ năng động hơn khi chọn việc làm và di chuyển lao động. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ, là cơ hội để công đoàn phát triển đoàn viên

Việc sửa đổi những luật pháp và các quy định liên quan, trong đó có những điều mới, có những cái có lợi cho NLĐ. Quan hệ lao động không chỉ chịu sự điều chỉnh của hệ thống văn bản pháp luật quốc gia mà còn chịu sự chi phối của các quy phạm quốc tế, cùng với đó là năng lực thực thi, nhất là thực thi Luật Lao Động và các quy định liên quan được tăng cường sẽ giúp tổ chức công đoàn và NLĐ có thêm điều kiện, có tiếng nói mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Đối với tổ chức công đoàn, thuận lợi là cơ bản nhưng thách thức cũng không ít, nhất là hiện nay, năng lực cán bộ công đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, của cạnh tranh phát triển đoàn viên. Đây là thử thách lớn nhất, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới từ nhận thức đến tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động; phải nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ công đoàn để tham gia với Nhà nước, với chủ sử dụng lao động những vấn đề bảo đảm việc làm, đời sống và an sinh xã hội để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Đổi mới tổ chức là nội dung mà Công đoàn Việt Nam cần đặc biệt quan tâm khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định TPP bởi đổi mới tổ chức mới là vấn đề cốt tử cho sự tồn tại và phát triển của Công đoàn Việt Nam trong giai đọan mới bởi Công đoàn Việt Nam chỉ có thể phát triển khi có được mô hình tổ chức hợp lý, thống nhất phù hợp với toàn cầu hóa. Hiện nay hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam được quy định theo 4 cấp cơ bản trong đó LĐLĐ tỉnh, TP trực thuộc Trung ương , CĐ ngành Trung ương và tương đương được gọi chung là LĐLĐ cấp tỉnh, TP và tương đương. Ở cấp này, hiện có 63 LĐLĐ tỉnh, TP và 20 CĐ ngành Trung ương, CĐ Tcty trực thuộc TLĐ. Đây là mô hình riêng có của Công đoàn Việt Nam bởi thông thường ở các nước phát triển chỉ có mô hình công đoàn ngành nghề, các công đoàn ngành nghề này phân chia theo vùng lãnh thổ để tổ chức và chỉ đạo hoạt động và cũng chính từ đó ở những nước này bên cạnh TƯLĐTT cấp doanh nghiệp, cấp ngành còn có TƯLĐTT vùng. Khoản 1 Điều 73 Bộ Luật Lao động nước ta quy định: “…TƯLĐTT gồm TƯLĐTT doanh nghiệp, TƯLĐTT ngành và hình thức TƯLĐTT khác do Chính phủ quy định”. Có lẽ đây là “TƯLĐTT cấp vùng” mà Chính phủ đang hướng tới?       

Một thách thức khác là đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở phần lớn là bán chuyên trách, hưởng lương từ chủ sử dụng lao động lại luôn biến động qua các kỳ đại hội, qua việc di chuyển lao động nên chưa thật sự tâm huyết, gắn bó với công đoàn.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương không còn là viễn cảnh mà đã ở rất gần. Tổ chức Công đoàn Việt Nam, mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn cần thực sự đổi mới, cần biến lời nói thành hành động để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, năng lực giám sát, tăng cường tiếng nói của người lao động nhằm bảo vệ quyền,  lợi ích chính đáng của mình góp phần nâng cao vị thế, xây dựng Công đoàn Việt Nam lớn mạnh.

 Hồ Giao