banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Sức khoẻ người lao động: Chăm sao cho đúng
Cập nhật lúc 04:05 ngày 07/08/2015

Việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ với người lao động (NLĐ) phải được tổ chức hàng năm. Chọn được đơn vị cùng phối hợp tổ chức khám sức khoẻ cho nhân viên tưởng đơn giản nhưng lại hoá phức tạp.

Giản đơn nếu bạn chọn đúng chỗ và sẽ trở nên phức tạp nếu chọn sai nhà cung ứng, nhận quá nhiều thắc mắc, phản hồi không tốt của nhân viên… Dưới góc độ một nhà quản lý - đơn vị cung ứng dịch vụ đồng thời là bác sĩ trực tiếp thăm khám cho nhân viên các Cty trong các đợt kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường - TGĐ Victoria Healthcare có vài “ mẹo” nhỏ chia sẻ cùng các DN.



Hãy “quán triệt” các nội dung sau với nhân viên trước mỗi đợt khám

Mỗi nhân viên nên biết “tận dụng” cơ hội khám và trò truyện cùng bác sĩ, nên tôn trọng việc khám và tư vấn với bác sĩ và đừng quá quan tâm đến số lượng, đến “list” các xét nghiệm. Nên nhớ rằng bạn không phải là bác sĩ hay kỹ thuật viên, do vậy thông tin từ đơn vị tư vấn chọn những xét nghiệm nào phù hợp với kinh phí và đủ để tầm soát các vấn đề về sức khoẻ cho nhân viên hoàn toàn sẽ hợp lý. Bác sĩ đã xây dựng cho bạn một danh mục xét nghiệm cần thiết phù hợp với nhu cầu, đừng vì “muốn thêm” hay “gia giảm” cho vừa túi tiền mà làm mất đi “bố cục” chung của một kiến trúc tổng thể.

Xét nghiệm y khoa, sẽ trở nên vô nghiã nếu không có tri thức của bác sĩ trong xem xét và kết luận. Xét nghiệm y khoa không đủ để diễn tả hết bệnh lý và chỉ được thực hiện bởi thiết bị vô tri. Do vậy việc khám lâm sàng, tư vấn và trao đổi với bác sĩ mới là điều quan trọng. Hãy thảo luận cởi mở các vấn đề sức khoẻ của mình và tìm ra cách phù hợp để cải thiện hoặc phòng ngừa bệnh.

Nên chuẩn bị trước thông tin về sức khoẻ của mình, thông thường những đơn vị chuyên nghiệp thường có mẫu gửi trước cho nhân viên Cty. Đừng coi thường nó, hãy bỏ ra chừng 5 phút để điền đầy đủ thông tin bệnh sử. Điều này giúp bác sĩ dành được nhiều thời gian hơn cho bạn thay vì phải hỏi lại những vấn đề thông thường. Nên so sánh kết quả của những lần khám trước, nếu phòng khám trước có lưu giữ bệnh án để so sánh thì rất tốt. Khi chọn dịch vụ nên chọn đơn vị nào có thể cung ứng bệnh án nhanh và tiện cho nhân viên. Ví dụ: có thể kiểm tra, đọc kết quả qua Internet hoặc gửi kết quả qua email riêng... dịch vụ này giúp cho nhân viên bạn an tâm nếu đi công tác hoặc cần gấp thông tin bệnh án, toa thuốc, cách chữa bệnh trước đây... trong trường hợp đột xuất.

Để tiết kiệm thời gian nên làm xét nghiệm trước khi khám bác sĩ, khi khám bác sĩ sẽ tư vấn cả về lâm sàng và các xét nghiệm. Hãy yêu cầu nhà cung ứng dịch vụ việc chọn ngày và giờ lấy mẫu máu tại Cty của bạn, giảm thiểu “ hao phí” thời gian làm việc. Nên khuyến khích nhân viên chủng ngừa theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu kinh phí của Cty “thênh thang” một chút, bạn nên tổ chức cho nhân viên chủng ngừa cúm ngay trong đợt khám sức khoẻ là tốt nhất, tối thiểu cũng nên khuyên nhân viên chủng ngừa viêm gan siêu vi B. Nếu bạn tiếp tục chọn “bạn đồng hành” trong cung ứng dịch vụ của năm trước cho năm nay, hãy yêu cầu họ tư vấn những vấn đề không cần thiết phải xét nghiệm lại.

Đừng quá kỳ vọng

Việc khám tổng quát không phải là “cây đũa thần” có thể gõ ra mọi thứ bệnh tật. Nhân viên của bạn sẽ tránh được nhiều bệnh bất ngờ bộc phát hoặc có hướng điều trị, ngăn chặn sớm các nguy cơ bệnh tật trong thời kỳ đầu. Không nên chơi trò “đố vui” với bác sĩ khám, nhiều bạn có bệnh không khai, để thử xem bác sĩ có phát hiện ra không. Điều này nên tránh vì thời gian bác sĩ dành cho bạn không nhiều, bác sĩ cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi trong chăm sóc sức khoẻ của bạn. Đừng quá tự tin vào sức khoẻ của mình, đặc biệt những vấn đề liên quan đến hệ tim mạch. Nên trao đổi thẳng thắn với bác sĩ những nghi vấn của bạn về kết quả xét nghiệm. Không nên thay đổi nơi khám thường xuyên, vì hồ sơ bệnh án sẽ được lưu lại tốt hơn nếu khám một nơi. Không nên lạm dụng xét nghiệm mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Không có xét nghiệm nào tầm soát hết ung thư. Mỗi xét nghiệm hoặc test khi thực hiện sẽ có một tỷ lệ sai số trong giới hạn cho phép thường là 10%, do vậy đôi khi bạn bị “dương tính giả” trong xét nghiệm nào đó (đừng quá hoảng hốt mà hãy lắng nghe bác sĩ, cần thiết kiểm tra lại xét nghiệm đó một hoặc hai lần nữa để khẳng định) hoặc quá lo lắng với các xét nghiệm bất thường không nhiều: chẳng hạn gan nhiễm mỡ trên siêu âm, mỡ trong máu cao... Những xét nghiệm này bất thường là do lối sống sinh hoạt ăn nhiều mà ít vận động, rượu bia. Đừng lạm dụng thuốc trong điều trị mà nên thay đổi lối sống trước khi dùng thuốc. Việc khám sức khoẻ định kỳ hàng năm sẽ có những xét nghiệm nên làm cho từng độ tuổi và giới tính. Càng làm nhiều xét nghiệm, khả năng sẽ có càng nhiều kết quả bất thường, cộng thêm việc không được tư vấn rõ ràng sẽ gây hoang mang, tốn kém để tiếp tục khảo sát và cuối cùng là không lợi ích gì. Những xét nghiệm thường hay làm mà không có lợi ích gì là: Tumor marker (tầm soát ung thư): CEA, CA 19-9, AFP, và gần đây là DR 70, xét nghiêm vi trùng H. Pylori trong dạ dày, đo loãng xương ở mọi lứa tuổi, siêu âm ngực tầm soát ung thư vú. Không nên khám nhiều chuyên khoa, đi từng phòng chuyên khoa mà không có thời gian tư vấn với BS. Lúc này việc khám tổng quát như đi chợ, ghé từng gian hàng, sau đó đi ra mà không biết mình có vấn đề gì hay không hoặc quá nhiều vấn đề không biết phải làm sao ! Chỉ cần một BS đa khoa, hay Bs gia đình có thể thực hiện hết việc khám tổng quát.

Đặc biệt, phòng nhân sự thường được nhận kết quả và là trung gian trả kết quả cho nhân viên. Tuy nhiên nếu để lộ thông tin cá nhân của nhân viên sẽ tạo tâm lý không muốn đi khám tổng quát. Việc tiết lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân mà không được phép là vi phạm luật.

Hãy hỏi nhà cung ứng có chính sách hỗ trợ nào cho người thân, gia đình của nhân viên nếu khám chung chương trình hay không ? Điều này giúp cho nhân viên bạn cảm thấy được quan tâm chu đáo hơn.

 Mạnh Hải