Đánh giá thực hiện chương trình phối hợp về đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn
Thứ hai, 13/06/2022 - 08:04
Đ/c Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch CĐCTVN đã báo cáo kết quả triển khai Chương trình phối hợp với đoàn khảo sát
Ngày 8/6 tại Hà Nội, đoàn khảo sát về việc đánh giá 02 năm thực hiện chương trình phối hợp số 3890/CTrPH-BNN-TLĐ ngày 10/6/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2020-2030 đã có buổi làm việc với CĐCTVN. Thành phần đoàn làm việc có đ/c Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Văn phòng, Ban Chính sách pháp luật và thi đua khen thưởng Tổng Liên đoàn.
Đ/c Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch CĐCTVN đã báo cáo kết quả triển khai Chương trình phối hợp với đoàn khảo sát. Theo đó, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tổng Liên đoàn và Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, CĐCTVN đã tích cực triển khai Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT- NN&PTNT ngày 24/12/2009 về đẩy mạnh phong trào CNVCLĐ thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam và là chương trình hành động được đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ III Công đoàn Công Thương Việt Nam với các mục tiêu và những nội dung cụ thể ở các ngành sản xuất, các lĩnh vực, liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hàng năm, ngay từ đầu năm Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị liên tịch về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng, phát triển”, một số nội dung của chỉ thị thi đua cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc CNH-HĐH nông thôn, giảm thiểu thiệt hại, tác động do đại dịch Covid-19 đối với người dân, đặc biệt là người nông dân.
Công đoàn Công Thương Việt Nam hàng năm hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện tốt phong trào, chú trọng những đơn vị sản xuất nguyên liệu, cung cấp sản phẩm cho công nghiệp các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục, đổi mới công tác thi đua khen thưởng, trong đó có phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp phát triển nông thôn, phát hiện bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới hoạt động có hiệu quả tại các đơn vị trong ngành. Công tác tuyên truyền qua nhiều phương tiện thông tin của Bộ và Công đoàn ngành góp phần tích cực tạo sự chuyển biến mới có hiệu quả về phong trào thi đua. Các phong trào thi đua đều gắn liền với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Thông qua đó, phong trào thi đua đều diễn ra sôi nổi. Trên cơ sở kết quả phát động và thực hiện phong trào, các đơn vị tiến hành đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất trong đợt thi đua.
Công tác vận động cán bộ, CNVCLĐ và đoàn viên thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, chương trình, đề án của Bộ, ngành, địa phương
100% công đoàn cơ sở đã phối hợp và thực hiện tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông thôn phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhiệm vụ chính trị, đặc thù của đơn vị. Chủ động phối hợp tổ chức phong trào thi “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” cùng với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; xây dựng ban hành quy định, nội quy gắn bó chặt chẽ với các phong trào thi đua; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong hoạt động; thu hút, tập hợp sự tham gia của đội ngũ CBCCVC có trình độ góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
100% cán bộ, CNVCLĐ và đoàn viên đã quán triệt, phát huy được tính năng động, sáng tạo; tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản.
100% CĐCS và CNVCLĐ tham gia hưởng ứng công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; hỗ trợ các hộ trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú; trong đó, cán bộ, CNVCLĐ là lực lượng chủ yếu trong các đợt vận động quyên góp, ủng hộ, xây dựng các quỹ như: Quỹ “Vì người nghèo”; quỹ tình nghĩa, chương trình Mái ấm công đoàn, chương trình mỗi cơ quan, đơn vị gắn với một địa chỉ nhân đạo; ủng hộ các gia đình bị thiệt do thiên tai, hỏa hoạn… Trong năm 2021, CĐCTVN đã hỗ trợ 200 triệu đồng kinh phí xây nhà ở cho 3 đoàn viên thuộc CĐ TCty Giấy Việt Nam và 01 đoàn viên thuộc CĐ TCty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. CĐCTVN cũng tặng quà 3 triệu đồng (tiền mặt) mừng khánh thành nhà ở cho 1 đoàn viên CĐ Trường Cao đẳng Công Thương Thái Nguyên. CĐCTVN đã chi 971 triệu đồng từ Ngân sách tài chính CĐCTVN và nguồn đóng góp xã hội của Ngành để chăm lo cho 773 ĐVCĐ, NLĐ trực thuộc.
100% các cấp Công đoàn triển khai thực hiện các gói hỗ trợ ĐV, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các gói hỗ trợ của Công đoàn. Kết quả thực hiện hỗ trợ theo các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn, CĐCTVN đã chi hỗ trợ hơn 80,6 tỷ đồng (trong đó, 12,5 tỷ từ nguồn của CĐCTVN và 68,1 tỷ từ nguồn của các công đoàn cấp trên cơ sở).
Công tác xúc tiến thương mại, cơ giới hóa nông nghiệp, điện khí hóa nông thôn mở đường cho sự phát triển bền vững khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo
Trong 02 năm qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia, phát động thi đua góp phần cùng các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngành Công nghiệp Hóa chất đã sản xuất và tiêu thụ hơn 15 triệu tấn phân bón các loại như phân lân, NPK, đạm, Urê, DAP với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù giá cả đầu vào như điện, nước, xăng dầu, hóa chất … đều tăng nhưng giá phân bón sản xuất trong nước tăng không đáng kể, nhiều sản phẩm phân bón còn có xu hướng giảm giá như phân Đạm, DAP; thực hiện thành công đề tài nghiên cứu sản xuất phân bón tổng hợp NPK - S 5.10.3-8 làm phân bón lót cho cây trồng đảm bảo cho giai đoạn sinh trưởng và phát triển và phân bón hợp NPK - S 12.5.10-14 dùng bón thúc cho cây trồng mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm nhân công, giảm chi phí. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm hóa chất tiêu dùng thõa mãn nhu cầu của nông dân như: Chất tẩy rửa, săm lốp xe đạp, xe thồ, xe nông cụ, máy kéo, pin ắc quy... mđã được nông dân trong cả nước tín nhiệm và sử dụng ngày càng nhiều. Các đơn vị thực hiện tốt: Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Cao Su Đà Nẵng, Cao Su Miền Nam…
TCTy Xây dựng Công nghiệp VN đã xây dựng hệ thống lưới điện để điện khí hóa nông thôn, đưa điện từ lưới quốc gia đến các thôn, bản đặc biệt là vùng sâu, vùng xa như các đường dây 110kv, 3,5kv đưa điện về các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Tây, miền đông Nam bộ, vùng hải đảo. Xây dựng các công trình công nghiệp phục vụ nông nghiệp như các Nhà máy thực phẩm, thức ăn gia súc; Sản xuất các sản phẩm phục vụ sự phát triển nông thôn như: xi măng, trụ điện, phát triển lưới điện nông thôn; Xây dựng các công trình dân dụng như trường học phổ thông, bệnh viện cho các địa phương; Xây dựng các hạng mục nhà máy công nghiệp, nhà máy đầu tư của nước ngoài nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn như Nhà máy Sam Sung Bắc Ninh, Yên Bình - Thái Nguyên. Sử dụng lao động nông nhàn ngắn hạn, thời vụ trong xây dựng các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng tạo việc làm cho lao động ở các khu công nghiệp và nông thôn. Các đơn vị thực hiện tốt: CĐ Công ty TNHH MTV xây lắp điện 2, xây lắp điện 4, CĐ Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức, CĐ Công ty CP tư vấn thiết kế và Xây dựng Vinaincon…
TCTy Thuốc lá VN đã phối hợp hình thành vùng cây nguyên liệu ở các tỉnh nhất là vùng núi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện chính sách định canh, định cư của đồng bào dân tộc tại các tỉnh miền núi, góp phần xóa bỏ tệ nạn buôn lậu, cờ bạc, ổn định an ninh quốc phòng tại các vùng biên giới (Gia Lai, Đăk Lăk, Tây Ninh, An Giang), cùng với địa phương từng bước xây dựng, nâng kết cấu cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống thủy lợi). Với đặc điểm cây thuốc lá là cây trồng ngắn ngày, nên hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao đời sống cho NLĐ. Mỗi hec ta thuốc lá có thể giải quyết việc làm cho hàng trăm NLĐ và mang lại lợi nhuận bình quân khoảng 30 triệu đồng/ha, đối với vùng sâu, vùng xa cây thuốc lá được đánh giá là cây xóa đói giảm nghèo đối với những hộ nghèo và là cây để làm giàu đối với những hộ nông dân có mức sống trung bình trở lên. Hơn nữa, hiện nay, đã tổ chức mô hình thí điểm đào tạo nghề cho nông dân trồng cây thuốc lá với 96 lớp, số lượng học viên được đào tạo nghề là 2.880 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Số kinh phí được thực hiện gần 7 tỷ đồng; đã và đang triển khai hỗ trợ các huyện Bác Ái, Ninh Thuận và Huyện Hà Quảng Cao Bằng với số tiền 35,5 tỷ đồng. Việc triển khai phong trào thi đua “Cả nước xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2020 đã góp phần vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn và đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tác động trực tiếp, tích cực đến sự đổi mới và phát triển nông thôn. Các đơn vị thực hiện tốt: CĐ Công ty Thuốc lá Thăng Long, CĐ Công ty Thuốc lá Ngân Sơn, CĐ Công ty TNHH Vinataba-Philip Morris, CĐ Công ty Thuốc lá Bến Tre….
Tập đoàn Xăng dầu VN đã phối hợp trong việc cung ứng xăng dầu phủ kín vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tại các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân của nhân dân, đã giúp huyện Đồng Văn - Tỉnh Hà Giang xóa nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a với số tiền 50 tỷ đồng. Ngoài ra các đơn vị trực thuộc Công đoàn Xăng dầu đã hỗ trợ tỉnh Kiên Giang xây 5 cầu bê tông thay thế Cầu Khỉ, hỗ trợ xây 7 trường mẫu giáo mầm non và Tiểu học, làm lại một số đường nông thôn với số tiền 3 tỷ đồng. Cty Xăng dầu khu vực II trao tặng 10 bộ máy tính cho huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang với số tiền 68 triệu; Cty Xăng dầu An Giang hỗ trợ làm 100 ngôi nhà cho người nghèo tỉnh Gia Lai với số tiền 3,5 tỷ đồng, xây dựng phòng học mẫu giáo tại Đăk Trang, xã Kon Thup huyện Mang Yang với số tiền 350 triệu đồng. Các đơn vị thực hiện tốt: CĐ Công ty Xăng sầu khu vực 1, CĐ Công ty Xăng dầu khu vực II, CĐ Công ty Xăng dầu khu vực 5, CĐ Công ty Xăng dầu Lào Cai….
CĐ Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp-CTCP phối hợp với chuyên môn ban hành chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy móc phục vụ nông nghiệp nông thôn ở đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc cho bà con nông dân với giá ưu đãi và trả tiền sau. Các hoạt động khuyến công, đào tạo nghề, truyền nghề gắn với nhu cầu phát triển công nghiệp nông thôn đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 500.000 lao động nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng kinh tế khó khăn đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là miền núi phía Bắc; trao tặng máy cày cho hộ nông dân tại 10 tỉnh thành trong cả nước chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Các đơn vị thực hiện tốt: CĐ Công ty Diesel Sông Công, CĐ Nhà máy ô tô Veam, CĐ Công ty Động cơ và Máy NN Miền Nam, CĐ Công ty Cơ khí An Giang, CĐ Công ty Liên doanh Toyota VN….
Những mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, điển hình trong phong trào thi đua
Hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số trở thành giải pháp hữu hiệu giúp DN tiết kiệm chi phí, mở rộng thị trường, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu của cả nước. Thực tế đã ghi nhận, trong hai năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống gặp nhiều khó khăn. Do đó, yêu cầu đặt ra rất cấp thiết là kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, nhờ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tiếp cận được các đối tác quốc tế hiệu quả trong bối cảnh đại dịch. Một số đơn vị trong ngành đã nỗ lực để làm tốt vai trò cầu nối giữa ngành nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng thực hành nông nghiệp trên nền tảng số, triển khai mạnh mẽ hơn trong thực tế và hy vọng tiếp tục phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn với các hoạt động. Chuyển đổi số cũng góp phần vào chuyển đổi theo thị trường, ứng dụng công nghệ và ngày càng chủ động sản xuất sản phẩm có sức cạnh tranh, tạo ra giá trị cao hơn…
Tích cực nhân rộng, vận động CNVCLĐ tham gia, hưởng ứng Chương trình một triệu sáng kiến của Tổng Liên đoàn với mục đích phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ của đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Đồng thời, xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid – 19 và chăm lo đời sống, ổn định việc làm cho đoàn viên, người lao động, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Thông qua Chương trình, nhiều sáng kiến thiết thực đã góp phần vào việc tăng năng suất lao động, đem lại giá trị làm lợi lớn cho DN, đồng thời góp một phần không nhỏ vào công cuộc CNH-HĐH phục vụ sự nghiệp đổi mới nông thôn, miền núi, hải đảo.
Tổ chức Hội thi tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương, đây là hoạt động sinh hoạt chính trị sâu rộng, nhằm tìm hiểu truyền thống vẻ vang, những giá trị tốt đẹp của ngành Công Thương cũng như các kết quả đổi mới, phát triển, đóng góp của các đơn vị trong ngành Công Thương vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ lợi ích quốc gia. Qua đó, khơi dậy và lan toả niềm tự hào, tạo động lực thúc đẩy người lao động toàn ngành Công Thương nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp phát triển của Ngành, của đất nước.
Qua 2 năm thực hiện Chương trình, phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và PTNT trong ngành đã có những chuyển biến tích cực mạnh mẽ. Các phong trào thi đua trong CNVCLĐ đã phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từ phong trào thi đua "Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo", các cấp Công đoàn đã phát triển thành các phong trào thi đua phù hợp với từng ngành nghề, gắn với các cuộc vận động lớn của Đảng và các phong trào thi đua truyền thống như: Phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỷ thuật"; Phong trào "Ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm"; Phong trào thi đua “Phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn" gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…góp phần tạo nên một cục diện nông thôn gắn liền với “Xu hướng chuyển đổi số và sản xuất thông minh, Xu hướng phát triển kinh tế xanh và Xu hướng phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững”.
Phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, được thực hiện đồng bộ trên mọi công tác, có kế hoạch rõ ràng, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đã thúc đẩy mỗi tập thể, mỗi cá nhân phát huy tối đa trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đ/c Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã thay mặt đoàn khảo sát đã đánh giá cao những kết quả mà CĐCTVN đã đạt được; đồng thời đề nghị CĐCTVN bổ sung thêm thông tin, số liệu để đoàn khảo sát tổng hợp, báo cáo Đoàn Chủ tịch TLĐ; đồng thời đề nghị CĐCTVN tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp là sự nghiệp của toàn dân, các cấp chính quyền, đoàn thể với sự tham gia của lực lượng chủ lực là liên minh công nông; tiếp tục quan tâm, kiểm tra, giám sát phong trào thi đua; kịp thời biểu dương, khen thưởng những CBCCVC có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tiên tiến toàn Ngành.