Xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao trước thách thức của cách mạng 4.0
Thứ ba, 24/08/2021 - 11:07
Đứng trước sự phát triển nhanh chóng và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai cấp công nhân Việt Nam có những thuận lợi đan xen với khó khăn cơ bản.
Đứng trước sự phát triển nhanh chóng và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai cấp công nhân Việt Nam có những thuận lợi đan xen với khó khăn cơ bản.
Công nhân được tiếp xúc với máy móc, thiết bị tiên tiến
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới.
Công nhân được làm việc với dây chuyền sản xuất với nhiều thiết bị hiện đại. Ảnh Hải Nguyễn
Dù cách mạng 4.0 mang đến nhiều lo ngại về thất nghiệp khi máy móc làm tất cả mọi việc, nhưng một số nhà nghiên cứu tin rằng, việc giảm tổng số việc làm là không thể. Bởi, siêu tự động hóa và siêu kết nối có thể nâng cao năng suất những công việc hiện tại và tạo ra nhu cầu về những công việc hoàn toàn mới khác.
Theo ThS.Ngô Văn Khiêm (Tạp chí Xây dựng Đảng), đứng trước sự phát triển nhanh chóng và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai cấp công nhân Việt Nam có những thuận lợi đan xen với khó khăn cơ bản.
Trước tiên, về thuận lợi, giai cấp công nhân Việt Nam có số lượng đang tăng lên. Hiện nay, tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm tỷ lệ khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội.
Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến đã tăng lên. Hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa, được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều thuận lợi cho công nhân Việt Nam. Ảnh Hải Nguyễn
Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến tăng lên. Công nhân trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp xúc với máy móc, thiết bị tiên tiến, làm việc với các chuyên gia nước ngoài nên được nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động, rèn luyện tác phong công nghiệp, phương pháp làm việc tiên tiến.
Lớp công nhân trẻ được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp ngay từ đầu, có trình độ học vấn, văn hóa, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, sẽ là lực lượng lao động chủ đạo, có tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghiệp, gia tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong tương lai…
Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động sản xuất kinh doanh, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị.
Trong thời gian tới, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam đứng trước thời cơ mới, thách thức mới khi đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực hiện.
Cần đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao
Về khó khăn, ThS Ngô Văn Khiêm cho rằng, trước yêu cầu của sự phát triển, giai cấp công nhân nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập.
Đó là, sự phát triển của giai cấp công nhân còn thiếu rất nhiều các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế lại chưa tương thích với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Để hướng đến một nền sản xuất công nghiệp hiện đại, số lượng giai cấp công nhân lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 27% lực lượng lao động xã hội là tỷ lệ còn thấp.
Các chuyên gia cho rằng cần nâng cao trình độ, đào tạo những nhân lực chất lượng cao cho quá trình sản xuất. Ảnh Hải Nguyễn
Cùng trao đổi về việc này, ông Bùi Văn Phương (nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, nhìn chung, mặt bằng chung trình độ văn hóa và tay nghề của công nhân nước ta dù được cải thiện, song vẫn còn thấp, đã ảnh hưởng không thuận đến việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật, đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Do đó, nếu không tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo đón đầu, thì chúng ta sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng về lao động khi các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam. Một thực trạng đáng quan tâm khác là tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo đang ngày càng cao…
Trong thời gian tới, quá trình toàn cầu hóa sản xuất với sự phân công và hợp tác lao động diễn ra ngày càng sâu rộng giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Khi chúng ta thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những rào cản về không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ, vốn, khoa học - công nghệ, thị trường lao động được gỡ bỏ, thì sự cạnh tranh giữa các nước càng trở nên gay gắt.
Cũng theo ông Phương, hiện ASEAN đã có hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực, có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề chính thức đối với 8 ngành nghề được tự do chuyển dịch: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch.
Việc công nhận trình độ lẫn nhau về kỹ năng nghề sẽ là một trong những điều kiện rất quan trọng trong việc thực hiện dịch chuyển lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Nhưng đây cũng sẽ là thách thức cho Việt Nam, vì số lượng công nhân lành nghề ở nước ta còn khiêm tốn, buộc phải chấp nhận nguồn lao động di cư đến từ các nước khác có trình độ cao hơn.
"Thời gian tới, nếu trình độ của công nhân nước ta không được cải thiện để đáp ứng yêu cầu, thì chúng ta sẽ bị thua ngay trên “sân nhà”" - ông Phương nêu ý kiến.
Vương Trần (nguồn: laodong.vn)