[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 22/7
Thứ sáu, 22/07/2016 - 16:08
Trong ngày 22 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước
Trong ngày 22 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Đề nghị dừng Dự án bột giấy Lee & Man do lo ngại ô nhiễm; Kinh hoàng thuốc lá lậu chứa chất độc; Trật tự mới cho quản lý doanh nghiệp nhà nước: Nỗi ám ảnh “bộ chủ quản”; Dệt may gặp khó; Sắp có thêm 600 MW của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; Vào TPP, Việt Nam sẽ mắc phải “lời nguyền tài nguyên”; Cán bộ sắp về hưu được đề nghị làm Tổng giám đốc Sabeco.

Thông tin cụ thể như sau:

1Đề nghị dừng Dự án bột giấy Lee & Man do lo ngại ô nhiễm.


Bộ Công Thương đang xem xét việc đề nghị Chính phủ dừng, không cho phép triển khai dự án Nhà máy bột giấy của công ty TNHH Lee&Man Việt Nam. Nguyên nhân được cho là khu vực Tây Nam Bộ không phù hợp để trồng cây nguyên liệu giấy và việc sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ sử dụng nhiều hóa chất nên có nguy cơ cao trong việc gây ô nhiễm môi trường.

Còn đối với dự án Nhà máy sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam, mặc dù UBND tỉnh Hậu Giang có thiếu sót là đã cấp giấy chứng nhận đầu tư khi thiết kế cơ sở của dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Bộ Công Thương cho rằng, nếu sau khi có kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án đáp ứng được các quy định về môi trường thì đề nghị Chính phủ xem xét cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai, đưa vào hoạt động.

2. Kinh hoàng thuốc lá lậu chứa chất độc.

Buôn lậu thuốc lá ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi và manh động hơn tại các tuyến biên giới Campuchia với một số tỉnh thành phía Nam. Cơ quan chức năng cảnh báo thuốc lá lậu chứa chất độc...

Theo các kết quả khảo sát của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá VN, kết quả phân tích, đánh giá chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm thuốc lá nhập lậu cho thấy hai mẫu thuốc lá Jet và Hero nhập lậu đều có chứa các chất độc hại, đặc biệt nguy hiểm là chất cấm thuộc nhóm Coumarin, được chủ động tẩm vào sợi thuốc lá trong quá trình sản xuất. Chất này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nam khoa, gây yếu sinh lý, vô sinh. 

3. Trật tự mới cho quản lý doanh nghiệp nhà nước: Nỗi ám ảnh “bộ chủ quản”.

Đây là tiêu đề bài viết dài kỳ được đăng trên Đầu tư 20/7, 22/7, bài viết phân tích, nhận định không phải ngẫu nhiên mà sự e ngại dồn tích quyền lực lại đè nặng lên mô hình Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Hình ảnh bộ chủ quản một tay điều tiết chính sách, một tay điều hành doanh nghiệp nhà nước đang hằn sâu vào ý thức của cả một thế hệ.

Bài viết đặt ra nhiều câu hỏi đến doanh nghiệp nhà nước của Bộ Công Thương như Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex....về vấn đề công ty mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ Nhà nước hỗ trợ vay hay bơm vốn; vấn đề nhiều đơn vị thành viên trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng không chịu niêm yết theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg?...

Tác giả bài viết cho rằng Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã tự tìm câu trả lời, đó là sự níu kéo quyền lực của bộ chủ quản với các DN trực thuộc. Bởi, cũng ở các đầu việc này, DN tư nhân, hoặc ngay cả DN có vốn nhà nước chiếm tỷ lớn nhưng đã niêm yết như Vinamilk hay cả SCIC không hành xử như vậy.

Câu chuyện tại Bộ Công Thương với các doanh nghiệp trực thuộc có thể coi là sự thất bại điển hình của mô hình bộ chủ quản trong vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước, khi mà ông chủ Nhà nước biết đến tình trạng tài sản của mình cũng là lúc mọi việc đã vào giai đoạn cuối...

4. Dệt may gặp khó.

Trên nhiều bài viết trong ngày 22/7 phản ánh, đăng tải về nội dung này. Các báo đưa tin: Tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong nửa đầu năm 2016 chỉ ở mức 4,7%, đạt 12,6 tỉ USD, hoàn thành 41% so với kế hoạch cả năm.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố khách quan, giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn. Doanh nghiệp dệt may đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ giá, thị trường, chi phí lao động không ngừng tăng và đối mặt những rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước. Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng, nhiều cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp và chưa phù hợp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành dệt may đang tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trong 6 tháng qua, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã gửi nhiều kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sửa đổi các quy định, nghị định, thông tư, một số thủ tục hành chính - kiểm tra chuyên ngành thủ tục phức tạp, rườm rà đang gây khó cho doanh nghiệp. Đồng thời, Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ về việc thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 - 1.000ha, để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm hoàn tất cao cấp, hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp này. Tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo.

5. Sắp có thêm 600 MW của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn đầu tiên sử dụng thông số siêu tới hạn (Super Critical) được xây dựng ở Việt Nam, do đơn vị tư vấn của Việt Nam chủ trì phần thiết kế, tỷ lệ nội địa hóa cao, gần 26% - là bước phát triển mới của ngành điện lực Việt Nam. Sau khi hoàn thành, hằng năm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỷ kWh điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng và các tỉnh phía nam nói chung. 

6. Vào TPP, Việt Nam sẽ mắc phải “lời nguyền tài nguyên”.


Nếu chỉ nhìn vào bề nổi, sẽ dễ tin rằng việc Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP chỉ toàn là có lợi. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn thì mới thấy TPP không phải là chuyện đơn giản, có không ít mối nguy tiềm tàng cho Việt Nam. Một con dao hai lưỡi đúng nghĩa “lợi quá hóa hại” mà Việt Nam có thể gặp phải sẽ là “lời nguyền tài nguyên”, hay còn có tên là “bệnh Hà Lan”.

Đã đến lúc Việt Nam cần xem xét bài học của những nước từng gặp “bệnh Hà Lan”. Theo Asian Correspondent, người Việt không nên nghĩ rằng “ký kết TPP sẽ mang lại những dòng chảy vô tận đầy sữa và mật ong”. Việt Nam chỉ có thể thực sự hưởng lợi từ TPP nếu biết cách kiểm soát các luồng chảy ngoại tệ và phòng vệ trước “bệnh Hà Lan”.

7. Cán bộ sắp về hưu được đề nghị làm Tổng giám đốc Sabeco.

Nguồn tin của Báo Đầu tư Online cho hay, ông Lê Hồng Xanh, Thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã được bộ phận quản lý vốn của nhà nước tại Sabeco đề cử đảm nhận vị trí Tổng giám đốc với Bộ Công Thương - cơ quan đang quản lý 89,59% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Bài viết phân tích, với đề xuất của bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco tới Bộ Công Thương về việc giới thiệu ông Lê Hồng Xanh thực hiện nhiệm vụ của Tổng giám đốc cho đến khi có quyết định mới về nhân sự, tác giả bài viết cho hay, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về đề xuất này ngay trong Bộ Công Thương.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)