[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 15/7
Thứ bảy, 16/07/2016 - 22:16
Trong ngày 15 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước,
Trong ngày 15 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Vĩnh Long nhắc một công ty đa cấp nộp phạt 210 triệu đồng; Đa cấp Hoàng Kim đóng cửa, người tham gia trông chờ Bộ Công Thương; Không để hóa chất nhập khẩu vào nội địa khi chưa có giấy phép; Chất lượng kém, gạo Việt đối mặt nguy cơ thua ngay trên sân nhà; Da giày bỏ lỏng thị trường nội địa.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Vĩnh Long yêu cầu một công ty đa cấp nộp phạt 210 triệu đồng.


Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long vừa có văn bản đôn đốc, yêu cầu Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hoàng Long Việt (đường Phạm Thái Bường, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lý do xử phạt xuất phát từ việc Công ty Hoàng Long Việt kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện thông báo đến Sở Công thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long cũng áp dụng biện pháp khắc phục buộc Công ty Hoàng Long Việt phải tự nguyện khắc phục hậu quả như đã cam kết. Theo Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long, đến nay đã quá thời hạn phía công ty vẫn chưa thi hành quyết định nộp phạt. 

2. Đa cấp Hoàng Kim đóng cửa, người tham gia trông chờ Bộ Công Thương.

Nhiều người dân ở Ninh Bình bỗng trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất khi tham gia vào Công ty đa cấp Hoàng Kim. Công ty đa cấp Hoàng Kim sau khi ôm tiền của người dân đã đột ngột đóng cửa, cắt đứt liên lạc với nhiều người tham gia.

Đây không phải lần đầu tiên một công ty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo đã biến mất sau khi huy động hàng chục tỷ đồng của người dân. VTV1 đặt câu hỏi: Lúc này, liệu các cơ quan cấp phép và quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp có thể giúp gì cho họ?  

3. Không để hóa chất nhập khẩu vào nội địa khi chưa có giấy phép.

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố đảm bảo không để hàng hóa nhập khẩu vào nội địa khi hàng hóa thuộc đối tượng phải khai báo hóa chất khi nhập khẩu hoặc phải có Giấy phép nhập khẩu tiền chất, khi nhập khẩu từ nước ngoài gửi kho ngoại quan để chờ nhập khẩu vào nội địa hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba thì không phải thực hiện việc khai báo hóa chất, nộp Giấy phép nhập khẩu tiền chất. Khi tổ chức, cá nhân nhập hàng từ kho ngoại quan để sử dụng tại Việt Nam ngoài việc thực hiện thủ tục hải quan theo loại hình tương ứng phải thực hiện việc khai báo hóa chất, nộp Giấy phép nhập khẩu tiền chất theo quy định.

Trường hợp các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hóa chất từ nước ngoài về gửi hàng trong kho ngoại quan đã xin Giấy xác nhận khai báo hóa chất và Giấy phép nhập khẩu tiền chất khi bán hàng cho doanh nghiệp nội địa thì doanh nghiệp nội địa không phải xin Giấy xác nhận khai báo hóa chất và Giấy phép nhập khẩu tiền chất. Trường hợp này, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp chứng từ, bằng chứng chứng minh việc mua bán, chuyển quyền sở hữu hàng hóa từ doanh nghiệp đã khai báo hóa chất ban đầu cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu từ kho ngoại quan vào nội địa. 

4.Chất lượng kém, gạo Việt đối mặt nguy cơ thua ngay trên sân nhà.


Bên cạnh yếu tố thời tiết, cách thức sản xuất cũng đang khiến cho chất lượng gạo Việt Nam kém khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Chất lượng thấp kéo theo thương hiệu gạo Việt cũng bị đánh mất. Đây là điều rất đáng báo động cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị của hạt gạo Việt Nam.

Theo Hiệp Hội lương thực Việt Nam (VFA), hiện trung bình mỗi năm nước ta xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, thế nhưng có hơn 70% là gạo phẩm cấp thấp. Theo các chuyên gia nông nghiệp, muốn cải thiện chất lượng hạt gạo, tiến tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt thì không nên chạy mãi theo số lượng mà cần quan tâm đến chất lượng. Bởi chất lượng mới là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thời buổi cạnh tranh hiện nay. 

5. Da giày bỏ lỏng thị trường nội địa

Xếp thứ 3 trên thế giới về trị giá xuất khẩu, nhưng 60% thị phần trong nước của ngành da giày Việt Nam là sản phẩm nhập ngoại, phần lớn trong số đó là các mặt hàng thuộc phân khúc thấp và trung cấp từ Trung Quốc. Trong khi đó, hiện giày dép Việt Nam có mặt trên 50 quốc gia, đặc biệt phát triển mạnh ở những thị trường có sức mua lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... Phải chăng, da giày Việt Nam lại bước vào vết xe đổ khi chỉ chú trọng xuất khẩu mà bỏ trống thị trường nội địa- các báo đặt câu hỏi.

Một thông tin mà báo Thanh niên chia sẻ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam hy vọng, DN giày dép VN không nên bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu sang thị trường nội địa khổng lồ Ấn Độ. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)